Tục kỵ húy của người Việt Nam

Tiếng Hán Việt kỵ, tị có nghĩa là sợ hãi mà tránh đi, kiêng tránh (thành ngữ: kiêng rượu, kiêng thịt, kiêng kỵ, có kiêng có lành). Người ta lo sợ tai họa có thể xảy ra nếu không biết kiêng kỵ hoặc vì tai họa nên phải bỏ chạy tìm chỗ tị nạn. Trên thế giới, tục tị húy là một tục chỉ có ở Trung quốc từ thời xa xưa và tồn tại mãi đến nay. Do hoàn cảnh lịch sử và địa lý, tục này đã truyền qua Việt Nam từ đời nhà Trần và đặc biệt rõ nét nhất là vào các đời vua triều Nguyễn, ảnh hưởng sâu rộng trong sinh hoạt của người Việt Nam qua thi cử, nhân danh và địa danh. Nguyên nhân ban lệnh tị húy của vua chúa là vì muốn dân chúng phải chú tâm kiêng sợ và cũng để thỏa mãn tâm lý quyền uy tối cao vô thượng.


1) Ảnh hưởng của tị húy trong tiếng nói và tên người:
Miền Nam vốn là thành quả khẩn hoang lập ấp, mở chợ đào sông của các chúa Nguyễn và về sau, triều Nguyễn (1802-1945) là triều duy nhất trong lịch sử đã ban hành rất nhiều lệnh tị húy, ảnh hưởng lớn đến sự hình thành tiếng miền Nam. Bên cạnh đó là sự di dân của nhóm người Minh hương từ Trung quốc vào miền Nam nhằm phản Thanh, phục Minh đã củng cố thêm tục tị húy.
Đời Gia Long có hai lần ban lệnh kiêng húy:
-Tháng 3 năm Gia Long thứ 2 (4-1803): ban 6 chữ húy: dùng chữ áo thay chữ noãn, dùng chữ chiếu thay chữ ánh, dùng chữ thực thay chữ chủng, dùng chữ diệu thay chữ cốn, dùng chữ viên thay chữ hoàn, dùng chữ hương thay chữ lan.
-Tháng 3 năm Gia Long thứ 15 (4-1816): ban thêm 2 chữ húy: dùng chữ hạo thay chữ kiểu, dùng chữ phủ thay chữ đảm.
Đến đời Minh Mệnh có năm lần ban lệnh kiêng húy vào các năm 1820, 1825, 1833, 1834 và 1836.
Đời Thiệu Trị có tám lần ban lệnh kiêng húy: hai lần trong năm 1841, ba lần trong năm 1842, 1843, 1844 và 1845.
Đời Tự Đức có bốn lần ban lệnh kiêng húy vào các năm: 1847, 1850, 1851 và 1861. Riêng năm 1850, có quy định xử phạt tội phạm húy, gồm hai khoản như sau:
-Phàm những chữ húy chính tự theo lệ quy định phải đổi dùng chữ khác mà không tuân hành, mỗi chữ phạm húy bị đánh đòn một trăm trượng. Nếu là Cử nhân, Tú tài phạm lỗi thì phải cách hết danh tịch (tức là gạch tên khỏi sổ Cử nhân, Tú tài).
-Những chữ quy định phải gia dạng (thêm bộ <<<) hoặc bớt nét, cùng là những chữ đồng âm và những chữ có thiên bàng giống chữ húy, theo lệ quy định phải đổi dùng chữ khác mà phạm phải thì phải đòn 90 trượng. Nếu là Cử nhân, Tú tài thì cho được miễn, không phải xóa tên khỏi sổ.
-Đối với những chữ theo lệ phải bớt nét hoặc gia dạng cùng là những chữ có thiên bàng giống chữ húy mà lại đồng âm với chữ húy, theo lệ phải kiêng đổi mà phạm phải thì giảm một bậc, phải đòn 80 trượng. Nếu là Cử nhân, Tú tài thì cho được miễn, không phải xóa tên khỏi sổ.
Các đời vua sau đó: Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại vẫn tiếp tục duy trì tục tị húy.
Dưới đây là một số thí dụ tiêu biểu của ảnh hưởng tị húy trong tiếng nói của người miền Nam.
-Nam đổi thành Nôm: đọc lệch chính âm, chưa biết được Nam là tên húy của ai, nhưng căn cứ vào một số bia đá, chuông chùa còn lưu lại thì từ đời Trần (khoảng năm 1230), do kiêng húy nên chữ Nam đã được khắc thiếu nét hoặc bỏ nét sổ thẳng.
-Kiền đổi thành Càn: đọc lệch chính âm, kiêng từ đời nhà Trần (khoảng năm 1230); đây là chữ thứ hai trong tước phong Phụng Kiền Vương Trần Liễu.
-Hoàng đổi thành Huỳnh: do kiêng húy Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng. Đến nay các tỉnh miền Trung và Nam vẫn dùng âm Huỳnh, đọc là Huỳnh Mẫn Đạt, Huỳnh Thúc Kháng thay vì Hoàng Mẫn Đạt, Hoàng Thúc Kháng.
-Nhân đổi thành Nhơn: do kiêng tên thụy của Nhân Chiêu Vương Nguyễn Phúc Lan. Thí dụ: thành phố Quy Nhân đọc thành Quy Nhơn, nhân nghĩa đọc thành nhơn nghĩa.
-Thái đổi thành Thới: đọc lệch chính âm, do kiêng tên húy của Hoằng Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Thái. Thí dụ: Châu Thái thành Châu Thới, Bình Thái thành Bình Thới, thái bình thành thới bình.
-Nghĩa đổi thành Ngãi: đọc lệch chính âm, do kiêng tên thụy của Hoằng Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Thái. Thí dụ: Quảng Nghĩa thành Quảng Ngãi, ân nghĩa thành ân ngãi, tình nghĩa thành tình ngãi.
-Tông đổi thành Tôn: đọc lệch chính âm, do kiêng tiểu tự Miên Tông của vua Thiệu Trị.
-Nguyên đổi thành Ngươn: do kiêng húy Thụy Dương Vương Nguyễn Phúc Nguyên.
-Thụy đổi thành Thoại: đọc lệch chính âm. Sau khi mất, Thụy Dương Vương Nguyễn Phúc Nguyên được suy tôn tên thụy là: Đại đô thống trấn nam phương tổng quốc chính dực thiện tuy du Thụy Dương Vương (11-1635). Thí dụ: Nguyễn Văn Thoại hoàn thành việc khai sông Thụy Hà, nhà vua rất hài lòng, nên “cho gọi tên sông là Thụy Hà để biểu dương công lao” (Đại Nam Nhất Thống Chí). Về sau , đọc lệch ra là Thoại Ngọc Hầu, Thoại Hà, Thoại Sơn.
-Dũng đổi thành Dõng: đọc lệch chính âm, do kiêng tên thụy của Dũng Triết Vương Nguyễn Phúc Tần.
-Chu đổi thành Châu: đọc lệch chính âm, do kiêng húy của Minh Vương Nguyễn Phúc Chu. Đến nay các tỉnh miền Trung và Nam vẫn dùng âm Châu, đọc là Châu Văn Tiếp, Ngô Tòng Châu thay vì Chu Văn Tiếp, Ngô Tòng Chu.
-Vũ đổi thành Võ: đọc lệch chính âm, do kiêng tên thụy của Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát là: Kiền cương uy đoán thần nghị thánh du nhân từ duệ trí Hiếu Vũ Vương. Đến nay các tỉnh miền Trung và Nam vẫn dùng âm Võ, đọc là Võ Trường Toản, Võ Tánh thay vì Vũ Trường Toản, Vũ Tính.
-“Tộ quốc công Nguyễn Phúc Khoát sai tướng Nguyễn Hữu Cảnh đi dánh Cao Miên, lấy đất của họ đặt thành phủ Gia Định” (9). Thực ra Nguyễn Hữu Cảnh tên là Nguyễn Hữu Kính, kiêng húy chữ Kính là một trong 47 chữ húy được vua Tự Đức ban hành vào năm 1861 như: kim, hoàng, thái, noãn, ánh, chủng, đảm, miên, tông, lan, đang, kính, thật, hoa, hạo, v.v…

2) Ảnh hưởng của tị húy trong tên đất:
Để biết ơn những bậc anh hùng có công với đất nước, người ta kiêng, không gọi đúng tên trong giấy tờ mà gọi tên thường dùng hoặc biệt hiệu… Trường hợp tên Cao Lãnh là một thí dụ. Nguyên ông bà Đỗ Công Tường tự Lãnh, vốn tính tình cương trực, kiến thức quảng bác, đã có nhiều công trạng giúp dân vùng Cao Lãnh, lúc sống làm chức Câu Đương (là một chức trong Hội Đồng Tề, phụ trách việc dàn xếp xích mích của dân trước khi họ phải tới cửa quan). Khi mất, dân chúng quý trọng, kiêng không gọi tên ông mà ghép chức (Câu Đương) với tên thường dùng (Lãnh) gọi la Câu Lãnh; lâu ngày gọi lệch ra là Cao Lãnh. Năm 1936, vua Bảo Đại sắc phong ông là: Dự Bảo Trung Hưng Linh Phò Chi Thần, nguyên văn như sau:
“Sắc Sa Đéc tỉnh, Mỹ Trà xã, phụng sự khai lập thị ấp Câu Lãnh Đỗ Công Tường tôn thần, nằm trước linh ứng tứ kinh phí thừa cánh mang, diếm niệm thần hưu, trước phong vị: “Dự Bảo Trung Hưng Linh Phò Chi Thần” chuẩn kỳ phụng sự, thứ cơ thần kỳ tương hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai.
Bảo Đại thập niên thập cửu nhật”.
Nghĩa: “Sắc rằng: vị thần Câu Lãnh Đỗ Công Tường ở xã Mỹ Trà, tỉnh Sa Đéc có mở chợ lập ấp, từ trước đã tỏ ra linh ứng, nay có sắc lệnh nhà vua nhớ đến công đức của thần, sắc phong cho vệ hiệu là: “Dự Bảo Trung Hưng Linh Phò Chi Thần” để dân phụng thờ nhờ hầu thần giúp đỡ, bảo hộ chọ Kính cẩn vậy thay.
Bảo Đại năm thứ 10, ngày 19″.


Dưới đây là một số thí dụ do tị húy mà đổi tên đất:
-Kiền đổi thành Càn: kiêng từ đời nhà Trần (khoảng năm 1230); đây là chữ thứ hai trong tước phong Phụng Kiền Vương Trần Liễu.
a)Cửa biển Kiền Hải (tức Cửa Cờn) ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An do kiêng húy chữ Kiền, năm 1299 đổi thành Cần Hải.
b)Núi Kiền Ni có chùa Hương Nghiêm, ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay còn tấm bia Kiền Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh dựng năm 1124 đời Lý Nhân Tông. Cuốn Thiền Uyển Tập Anh chép thiền sư Pháp Dung trụ trì chùa Hương Nghiêm, núi Ma Ni. Cụ Hoàng Xuân Hãn đã xác định đó chính là núi Kiền Ni đời Lý, đến đời Trần vì kiêng húy nên Thiền Uyển Tập Anh đổi thành Ma Ni. (10)
-Lợi đổi thành Lại hoặc Nghi: Lợi là tên húy của vua Lê Thái Tổ; huyện Đồng Lợi, phủ Tân An đổi thành Đồng Lại, sau đổi thành Vĩnh Lại, tức huyện Ninh Giang thuộc tỉnh Hải Phòng ngày nay.
-Dung: đổi các địa danh có tên Dung. Huyện Phù Dung đổi là Phù Hoa vào đầu đời nhà Mạc. Đời Lê Trung Hưng lấy lại tên cũ là Phù Dung. Đến năm 1842 vì kiêng húy đồng âm với tên húy của vua Thiệu Trị (Dung) và cả với tên húy của mẹ vua Thiệu Trị (Hoa) nên đổi thành Phù Cừ, nay thuộc huyện Phù Tiên, tỉnh Hải Hưng. Tương tự như vậy, cửa biển Tư Dung ở Thuận Hóa đổi thành Tư Khách vào đầu đời nhà Mạc, đến đời Lê Trung Hưng lấy lại tên cũ nhưng đến đời Thiệu Trị thì đổi thành Tư Hiền.
-Chữ Ninh (húy của vua Lê Trang Tông): kiêng tiếng Ninh nên đổi thành:
a)huyện Ninh Sơn, tỉnh Sơn Tây đổi là Yên Sơn, nay là huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây.
b)Phù Ninh đổi là Phù Khang, nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú.
c)huyện Yên Ninh đổi là Yên Khang. Đến đời Nguyễn Gia Long vì kiêng húy chữ Khang nên đổi thành Yên Khánh, thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay.
d)Vũ Ninh đổi là Vũ Giang. Sau vì kiêng tên chúa Trịnh Giang nên đọc lệch thành Võ Giàng.
e)Tĩnh Ninh đổi thành Tĩnh Gia, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.
-Bang (húy của vua Lê Anh Tông): An Bang đổi thành An Quảng, rồi đổi thành Quảng Yên, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh.
-Đàm (húy của vua Lê Thế Tông): Thanh Đàm đổi thành Thanh Trì, nay là ngoại thành Hà Nội.
-Tân (húy của vua Lê Kính Tông):
a)Tân Minh đổi thành Tiên Minh, nay thuộc huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.
b)Tân An đổi thành Tiên An, nay thuộc huyện Hải Ninh, Quảng Ninh.
c)Tân Phong đổi thành Tiên Phong, nay thuộc huyện Quảng Oai, Hà Tây.
d)Tân Hưng đổi thành Tiên Hưng, nay thuộc tỉnh Thái Bình.
-Hựu (húy của vua Lê Chân Tông): Thuần Hựu đổi thành Thuần Lộc, Phong Lộc, Hậu Lộc, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.
-Tùng (húy của Minh Khang Thái Vương, 1570-1623): Đoàn Tùng đổi thành Đoàn Lâm, nay thuộc tỉnh Hải Hưng.
-Tây (húy của Tây Vương Trịnh Tạc, 1657-1682):
a)Tây Chân đổi thành Nam Chân, rồi đổi thành Nam Trực, nay thuộc tỉnh Nam Hà.
b)Sơn Tây: từ thời Trịnh Tạc trở đi kiêng âm Tây, thường gọi là Xứ Đoài.
c)Tây Hồ: từ thời Trịnh Tạc trở đi kiêng âm Tây, thường gọi là Đoài Hồ.
-Giang (húy của Thuận Vương):
a)Thanh Giang đổi thành Thanh Chương, nay thuộc tỉnh Nghệ An.
b)La Giang đổi thành La Sơn, nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
c)Tống Giang đổi thành Tống Sơn, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.
-Minh (húy của Minh Vương Trịnh Doanh):
a)Sơn Minh đổi thành Sơn Miêng, nay thuộc tỉnh Hà Tây.
b)Tiên Minh đổi thành Tiên Miêng, nay thuộc Hải Phòng.
-Bình (húy của vua Quang Trung Nguyễn Huệ còn có tên Nguyễn Quang Bình):
a)Cao Bình đổi thành Cao Bằng, nay vẫn giữ là Cao Bằng.
b)Lộc Bình đổi thành Cao Bằng, nay vẫn giữ là Cao Bằng. (10)
-Phúc (húy của vua Quang Trung Nguyễn Huệ còn có tên giả là Phúc):
a)Gia Phúc đổi thành Gia Lộc, nay là huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải Hưng.
b)Phúc Lộc đổi thành Phú Lộc, nay là huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây.
c)Vĩnh Phúc đổi thành Vĩnh Lộc, nay huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
d)Chân Phúc đổi thành Chân Lộc. Đời vua Thành Thái (1889-1907) kiêng húy chữ Chân (Ưng Chân, tên cha vua) nên đổi thành Nghi Lộc, nay là huyện Nghi Lộc, tỉnh Hà Tây.
e)Phúc Diễn đổi thành Phú Diễn, nay là xã Phú Minh, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Hầu hết các tên húy do triều Nguyễn Tây Sơn đổi đều bị các triều Nguyễn tiếp theo đổi lại để thể hiện ý căm ghét; đây là trường hợp mà cụ Trần Viên gọi là ố ý tị húy (kiêng húy do căm ghét).

Leave A Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline 0903.264.226